Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

TUỔI NHỎ LÀM VIỆC NHỎ

          Bác Hồ – Người là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là danh nhân văn hóa thế giới, một nhà cách mạng lỗi lạc – nhà chiến lược đại tài và là ông bụt hiền hòa, nhân hậu của thiếu niên nhi đồng. Sinh thời, Bác rất yêu quý thiếu nhi. Bác cho rằng thiếu nhi là những chủ nhân tương lai của đất nước; sẽ giúp dân tộc Việt Nam bay cao, vươn xa ra tầm thế giới: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không riêng gì cho người lớn, cán bộ, đảng viên mà các em thiếu niên nhi đồng cần phải học tập và làm theo. Song song với phong trào phấn đấu để đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” thì cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thời gian qua đả tác động rất lớn đến các em thiếu nhi học tập và làm theo. Trong số các em thiếu nhi ấy, ở quận Tân Phú có một tấm gương học tập và làm theo lời Bác để vượt lên chính mình trong học tập, trong cuộc sống, em luôn luôn gương mẫu, nhớ và thực hiện đúng những điều Bác Hồ dạy đối với thiếu niên nhi đồng, đó chính là em Lê Thị Mỹ Trinh, học sinh lớp 5/6 – trường Tiểu học Phan Chu Trinh.
Hoàn cảnh của em Lê Thị Mỹ Linh rất đáng thương, em không được may mắn, thiếu sự chăm sóc, gần gũi của cha mẹ như những đứa trẻ khác nữa, vì cha mẹ em đã ly dị. Hàng ngày em được bà dì hoặc người anh trai chở bằng chiếc xe đạp cũ đến trường, bữa điểm tâm của em thường là nắm xôi hoặc gói mì khô; khi nhìn thấy các bạn được cha mẹ chở đến trường, bất chợt tôi thấy ánh mắt của em sáng lên và gương mặt ngây thơ pha một chút buồn buồn, tủi tủi… em bước vào trường.
Thời gian cứ trôi, em tập dần thói quen không khóc; em và anh trai sống chung với bà dì, bà cô. Học phí, tiền mua sách, vở … của hai anh em đều nhờ vào thu nhập từ quán cóc bên đường và tiền đi làm mướn của bà dì. Khó khăn là vậy nên em hiểu được sự cực khổ của bà, cứ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần sau khi học bài em thường phụ giúp bà bán quán, cố gắng học bài thật thuộc, thật nhanh để tranh thủ phụ bà, tuy khó khăn nhưng đến trường không bao giờ thấy em em không thuộc bài, ngoài ra em cũng rất tích cực tham gia sinh hoạt Đội TNTP Hồ Chí Minh tại trường – nơi giúp em tự tin và nghị lực hơn.
Có lần tôi lên lớp tìm em để lấy thêm thông tin từ em để bổ sung vào danh sách học sinh nhận học bổng. Không thấy em, mà em cũng chưa xin phép giáo viên nghỉ học, tôi vội đến nhà em – một ngôi nhà nhỏ chỉ 15m2 thì biết em đã vào bệnh viện Nhi đồng với căn bệnh thường xuyên của mình. Từ đó tôi mới biết sức khỏe em rất yếu, sổ mũi, ho, viêm họng … những bệnh mà chúng ta coi là thường … thì lại khiến em phải thường xuyên nhập viện. Thế đấy, hoàn cảnh em là thế nhưng em có nghị lực phi thường. Có lần tôi thử hỏi về ba mẹ, em buồn nhưng không khóc, em chấp nhận sống chung với sự thật đó và từng ngày phấn đấu vươn lên; 4 năm liền là học sinh giỏi và cũng là 4 năm liên tục đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” cấp trường, đặc biệt năm học 2008 – 2009 em được tuyên dương trong Liên hoan Cháu ngoan Bác Hồ cấp Quận, em được bạn bè yêu mến, được bầu vào Ủy viên Ban chỉ huy Liên Đội Phan Chu Trinh. Em sẽ là một trong nhiều chủ nhân tương lai của đất nước, sẽ tiếp nối cha anh mà phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như lời Bác căn dặn: “Đảng và Chính phủ, nhân dân ta rất mong muốn các cháu ngày càng tiến bộ, học tập được nhiều kết quả để mai sau phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bác luôn theo dõi sự tiến bộ của các cháu. Bác mong các cháu có nhiều thành tích mới báo cáo Bác”.
Em Lê Thị Mỹ Trinh xứng đáng là con ngoan – trò giỏi – cháu ngoan Bác Hồ – đội viên Thành phố mang tên Bác;

Thiếu nhi là mầm xanh đất nước, là chủ nhân tương lai như lời Bác dạy. Vì thế chúng ta hãy quan tâm, nâng đỡ các em. Sự quan tâm của chúng ta có thể là nguồn động lực cho các em phấn đấu; hãy thắp sáng niềm tin cho các em bằng những hành động cụ thể, hãy tạo nhiều nguồn học bổng nhiều hơn nữa như chúng ta đã làm. Khi chúng ta quan tâm đến thiếu nhi cũng là đang thực hiện trách nhiệm “… hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Có thể nói cuộc đời Hồ Chí Minh, nhân cách Hồ Chí Minh là cả một pho từ điển mà bất cứ ai, bất cứ khi nào ta có dịp mở ra đều có thể tự soi mình và tìm cho mình một câu trả lời đầy ý nghĩa.
Riêng với bản thân tôi dù có cảm phục đến đâu cũng không thể diễn tả hết bằng suy nghĩ của mình trong một ngày một giờ. Nên chăng hãy gom nhặt những gì đã học được qua tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để làm vôn sống cho ta sau này.

BÁC ƠI

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...
Chiều nay con chạy về thǎm Bác
Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!

Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thǎm, thấy Bác cười!

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
 Quanh mặt hồ in mây trắng bay...

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Nǎm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi nǎm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau...

Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa.

Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng ca chung hòa bốn biển
Nâng niu tất cả chỉ quên mình.

Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu?
Ra đi, Bác dặn: "Còn non nước..."
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều

Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác - Lênin,thế giới Người hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn 
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

NGƯỜI THANH NIÊN DŨNG CẢM BẮT CUỚP


Vào lúc 10h50 ngày 10/8/2007, chị Nguyễn Thị Thư, sinh năm 1978, tạm trú tại KP4, đường số 9, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân điều khiển xe gắn máy chở chị Nguyễn Thị Hương Lan, sinh năm 1978, thường trú tại 26/6 Trần Thánh Tông, phường 15 quận Tân Bình trên đường đi học về. Đến trước nhà số 14 đường C2, chung cư Khu công nghiệp phường Tây Thạnh, quận Tân Phú thì bị 2 tên Huỳnh Công Thương, sinh năm 1989, thường trú tại 118/30/21 Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú và tên Phạm Lê Huy Hoàng, sinh năm 1990, thường trú tại số 30/5, tổ 74 phường Sơn Kỳ quận Tân Phú đi xe gắn máy áp sát giật túi xách rồi bỏ chạy. Chi Thư tri hô thì được anh Nguyễn Tiến Thạnh, sinh năm 1966, thường trú tại 152/54/11A Lạc Long Quân, phường 3 quận 11 là thợ in thuộc phân xưởng màn ghép – Cty bao bì Sài Gòn, Khu công nghiệp Tân Bình dùng xe Honda đâm thẳng vào xe bọn cướp làm chúng té ngã và bắt được 2 tên cướp giao cho Công an phường. Tang vật tạm giữ : 01 xe Honda biển số 51P5-1208, 01 túi xách bằng vải bên trong có 800.000 đồng, 01 đồng hồ đeo tay hiệu Gucci. Nội vụ chuyện Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội xử lý.
       
        Để động viên tinh thần dũng cảm, tích cực tham gia công tác phòng chống tội phạm của anh Nguyễn Tiến Thịnh, Ủy ban nhân dân quận Tân Phú đã tặng Giấy khen cho anh Thịnh với số tiền thưởng là 600.000 đồng, hỗ trợ 500.000 đồng để sữa chửa xe. Ngày 21/8/2007, tại Hội nghị tổng kết 3 năm liên tịch giữa Mặt trận tổ quốc - Công an quận và kỷ niệm ngày Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc do Công an quận tổ chức, anh Nguyễn Tiến Thịnh đã vinh dự được mời báo cáo trước hội nghị về thành tích dũng cảm bắt cướp của mình.


Đoàn viên: Đỗ Thị Kim Oanh

NHỮNG CÔNG VIỆC THẦM LẶNG


Tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trường mầm non Hoàng Anh chia tay cô trong buổi tiệc cuối năm, và đó cũng là ngày cô nhận quyết định nghỉ hưu. Trong buổi tiệc ấy, không ai có thể giấu được niềm xúc động xen lẫn những giọt nước mắt, nỗi buồn trong buổi chia tay một người cô, một đồng nghiệp, một người bạn được gọi với cái tên thân mật – “má Mai”.
Cô tên Đặng Thị Mai, sinh năm 1954, 55 tuổi đời với 20 năm làm việc và cống hiến dưới mái trường mầm non Hoàng Anh. Dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng tập thể sư phạm nhà trường và những “mầm non” luôn nhớ đến cô, nhớ đến hình ảnh “má Mai” hằng ngày vẫn cần mẫn làm cho trường lớp sạch đẹp, ngăn nắp, khang trang. Năm 2009, cô được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, đó là sự ghi nhận những đóng góp của cô đối với sự nghiệp trồng người. Vào nghề từ năm 1987, ngày ngày hình ảnh người phụ nữ đội nón lá cẩn thận quét từng lớp lá rụng dưới sân trường, sắp xếp lại từng chiếc xe của giáo viên trong nhà xe; gìn giữ cẩn thận từng chiếc nón, áo mưa khi giáo viên quên do vội lên lớp cho đúng giờ. Có người hỏi: “Sao má Mai lượm chi một cành cây mục rơi ngoài đường cho cực?”; má trả lời: “Việc nhỏ mà, thấy gai mắt chịu không được nên làm vậy thôi”. Những việc làm đó đã thể hiện qua đôi bàn tay gầy guộc của cô, luôn linh hoạt trong mọi công việc của nhà trường. Ngoài công việc ở trường, về địa phương cô là một hội viên nòng cốt của Hội Phụ nữ, hăng say trong công việc của Hội.

 Dù hoàn cảnh gia đình còn không ít khó khăn nhưng thời gian trước đây, cô còn cưu mang và chăm lo cho một người già neo đơn không nơi nương tựa tại ngôi nhà nhỏ của mình. Kết thúc công việc ở trường, tại địa phương, cô trở về gia đình với vai trò người vợ hiền, người mẹ đảm đang chăm lo cho đàn con khôn lớn, trưởng thành.
           Trong cuộc sống, mỗi người đều được xã hội phân công một công việc, một nhiệm vụ khác nhau, không có công việc nào danh giá hay cao sang hơn công việc nào. Điều quan trọng là mỗi người tự nhận thấy trách nhiệm của mình trong công việc mà mình đang đảm nhận và hoàn thành xuất sắc công việc đó. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh không phải là làm những việc lớn lao, to tát mà trong mỗi công việc bình thường hằng ngày, mỗi người cố gắng hoàn thành tốt hơn ngày hôm qua đạt được thì đó chính là làm theo lời Bác một cách đúng đắn, thiết thực nhất. Đó cũng là những việc làm hằng ngày, đời thường nhất mà “má Mai” đã làm để ươm mầm cho những “chồi non” thân yêu của mình và cống hiến cho xã hội.

Đoàn viên: Đỗ Thị Kim Oanh

“ÔNG BÍ THƯ QUẬN ỦY "NUÔI HEO ĐẤT"


Nghĩ về Bác


NHẬT KÝ LÀM THEO LỜI BÁC
Đoàn viên: Đỗ Thị Kim Oanh

Cuộc đời Hồ Chí Minh – một cuộc đời huyền thoại. Nhân cách Hồ Chí Minh – nhân cách của mọi thời đại. Ở Bác hội tụ tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người . Nhìn ánh mắt, nụ cười của Bác ta cảm nhận sự yêu thương luôn đầy ắp trong trái tim của một người Cách Mạng Vô Sản. Bác yêu tất thảy mọi sự vật hiện hữu xung quanh mình. Yêu mỗi gốc lúa, mỗi nhành hoa, yêu từng con sông mảnh đất, …và hơn hết tình yêu thiên nhiên kia là lòng nhân ái bao la vô bờ bến của Người đối với đồng bào cả nước, với nhân loại cần lao. Dù ở cương vị nào thì ở Người cũng toát lên vẻ thánh thiện của một bậc thánh nhân. Quả là không có bút mực nào có thể diễn đạt hết sự cảm phục sâu sắc của tôi về Hồ Chí Minh – tấm gương sáng cho mọi thế hệ trẻ noi theo và tiếp bước.
Rất nhiều sách vở, thơ ca ca ngợi công lao đức độ của Người nhưng tôi thấm thía hơn khi được tìm hiểu những câu chuyện thường ngày rất đỗi giản dị nhưng chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Mỗi một câu chuyện đọc xong ngẫm nghĩ, tôi lại có dịp nhìn nhận lại chính mình và rồi rất rất nhiều lần tôi tự hỏi lòng “mình có làm được như vậy không ?”, “mình đã làm được như thế chưa ?”…
Thật giản dị và thanh tao lãnh tụ Hồ Chí Minh của chúng ta khi thì trong bộ quân phục kaki trắng, khi thì mặc bộ áo nâu túi vải xuất hiện trước đồng bào cũng như trong các buổi hội nghị vẫn đẹp tươi lạ thường. Trên ngực không một tấm huân chương nhưng Bác đã đem ánh sáng hòa bình hạnh phúc đến toàn thể dân tộc Việt Nam. Một con người quá đỗi bình thường giản dị có thể làm được những điều phi thường tưởng chừng không bao giờ làm nổi.
Đức tính giản dị của Hồ Chí Minh là một đức tính tốt nhưng không phải ai cũng có thể học tập và làm theo, bởi lẽ đi cùng với nó phải kèm rất nhiều tố chất : sự thủy chung, tính tiết kiệm, biết nghĩ đến người khác… Thiết nghĩ, là những con người bình thường chưa thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân, vị kỉ thì chúng ta chưa thể “ giản dị” được và phải chăng đó cũng chính là chỗ khuyết sâu thẳm nơi tâm hồn ta mà ta không có dịp nhìn nhận, chỉ khi đọc những mẩu chuyện thường ngày về Bác rồi tự vấn lương tâm mình khi đó ta mới có cơ hội bộc bạch thành tiếng, viết thành lời.
Càng đi sâu tìm hiểu, đến với mỗi câu chuyện lại mở ra cho ta thật nhiều điều hay và bổ ích .

Ở câu chuyện “ Mọi người cũng phải có phần chứ ”, tôi hiểu rằng trong cuộc sống của chúng ta nếu nói đủ thì không biết như thế nào là đủ nếu con người không biết bằng lòng với cuộc sống, chỉ biết lo cho bản thân mình mà không nghĩ đến người khác. Ở đây chúng ta học được ở Bác lòng nhân ái, yêu thương, quan tâm đến người khác, có vậy ta mới nhận được tình yêu thương ấy từ họ.
Đến với câu chuyện “ Chia cho những ai yếu mệt ” ; “ Nói khẽ để anh em nghỉ ” hay “ Mình chẳng thần thánh gì ” … Tôi hiểu rằng sống luôn luôn phải biết nghĩ đến người khác, quan tâm không chỉ đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần của người dân đặc biệt là những người dùng người. Có như thế chúng ta mới thu được nhân tâm và mọi công việc dù khó đến đâu cũng có thể vượt qua.
Với câu chuyện “ Đề nghị sửa ngay một câu ” tôi lại thấy nó hay ở chỗ chúng ta làm sao phải luôn sống hòa mình với tập thể, ngay cả lúc chê cũng vẫn khiến người bị chê nhận thấy cái sai và vui vẻ sửa chữa mà không mất lòng.
Hay câu chuyện “ Không phải cá tính đâu ” tôi học được rằng mình không nên nóng giận khi làm việc và ở mọi tình huống cư xử, giải quyết công việc chúng ta cũng nên tôn trọng nhau
Nhưng câu chuyện “ Bác sẽ cố gắng trả lời hết ” lại giúp tôi rất nhiều trong nghề nghiệp. Với vai trò là một giáo viên, để giảng giải cho học sinh hiểu vấn đề chúng ta nên thay đổi phương pháp tùy từng tiết học tạo không khí sôi nổi, ấm cúng, thoải mái nhưng vẫn đạt hiệu quả.
Thế đấy, cuốn sách trên tay tôi kể những câu chuyện ngày thường về Bác Hồ chỉ vẻn vẹn có 106 trang nhưng đã dạy tôi biết bao điều về con người, cuộc sống và cách xử thế mà thiết nghĩ có sống đến 106 tuổi chưa chắc tôi ngộ ra được. Nói thì thấy buồn cười nhưng thật sự để cảm nhận và hiểu được những lớp nghĩa sâu xa và làm theo đó thì không đơn giản chút nào.
Thử hỏi ai trong chúng ta biết sống vì người khác, lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của chính bản thân mình mà không vụ lợi. Chúng ta – những con người bình thường thôi đã tìm được giá trị đích thực của ba chữ “ bình thường thôi” hay chưa. Còn đó muôn vàn những khó khăn trở ngại, những hơn thua được mất trong cuộc đời, và đâu đó trong cuộc đời vẫn còn những bàn tay ấm áp nghĩa tình .
Cứ thế, mặc cho dòng đời trôi nhưng chỉ xin một phút giây thôi chúng ta để lòng mình lắng đọng cùng lắng nghe câu hát trong bài hát “ Để gió cuốn đicủa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
… “ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi …”
Phải chăng Hồ Chí Minh chính là cơn gió lạ thổi tất cả những toan tính, lọc lừa, giả dối trong ngõ ngách sâu thẳm của trái tim con người bay đi xa mãi để nhường chỗ cho những yêu thương tràn ngập tâm hồn ta.
Tôi tin không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai có dịp được tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đều học được bài học bổ ích quí giá cho bản thân và khi có cơ hội ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ theo cơn gió yêu thương sẽ thổi bùng những việc làm đầy ý nghĩa mang hơi ấm đến với cuộc đời.
Trong thực tế, tôi bắt gặp hình ảnh rất nhiều những con người của thời đại mới sống , học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Chi Đoàn Trường THCS Tân Thới Hòa quyết tâm học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại