Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

TUỔI NHỎ LÀM VIỆC NHỎ

          Bác Hồ – Người là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là danh nhân văn hóa thế giới, một nhà cách mạng lỗi lạc – nhà chiến lược đại tài và là ông bụt hiền hòa, nhân hậu của thiếu niên nhi đồng. Sinh thời, Bác rất yêu quý thiếu nhi. Bác cho rằng thiếu nhi là những chủ nhân tương lai của đất nước; sẽ giúp dân tộc Việt Nam bay cao, vươn xa ra tầm thế giới: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không riêng gì cho người lớn, cán bộ, đảng viên mà các em thiếu niên nhi đồng cần phải học tập và làm theo. Song song với phong trào phấn đấu để đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” thì cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thời gian qua đả tác động rất lớn đến các em thiếu nhi học tập và làm theo. Trong số các em thiếu nhi ấy, ở quận Tân Phú có một tấm gương học tập và làm theo lời Bác để vượt lên chính mình trong học tập, trong cuộc sống, em luôn luôn gương mẫu, nhớ và thực hiện đúng những điều Bác Hồ dạy đối với thiếu niên nhi đồng, đó chính là em Lê Thị Mỹ Trinh, học sinh lớp 5/6 – trường Tiểu học Phan Chu Trinh.
Hoàn cảnh của em Lê Thị Mỹ Linh rất đáng thương, em không được may mắn, thiếu sự chăm sóc, gần gũi của cha mẹ như những đứa trẻ khác nữa, vì cha mẹ em đã ly dị. Hàng ngày em được bà dì hoặc người anh trai chở bằng chiếc xe đạp cũ đến trường, bữa điểm tâm của em thường là nắm xôi hoặc gói mì khô; khi nhìn thấy các bạn được cha mẹ chở đến trường, bất chợt tôi thấy ánh mắt của em sáng lên và gương mặt ngây thơ pha một chút buồn buồn, tủi tủi… em bước vào trường.
Thời gian cứ trôi, em tập dần thói quen không khóc; em và anh trai sống chung với bà dì, bà cô. Học phí, tiền mua sách, vở … của hai anh em đều nhờ vào thu nhập từ quán cóc bên đường và tiền đi làm mướn của bà dì. Khó khăn là vậy nên em hiểu được sự cực khổ của bà, cứ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần sau khi học bài em thường phụ giúp bà bán quán, cố gắng học bài thật thuộc, thật nhanh để tranh thủ phụ bà, tuy khó khăn nhưng đến trường không bao giờ thấy em em không thuộc bài, ngoài ra em cũng rất tích cực tham gia sinh hoạt Đội TNTP Hồ Chí Minh tại trường – nơi giúp em tự tin và nghị lực hơn.
Có lần tôi lên lớp tìm em để lấy thêm thông tin từ em để bổ sung vào danh sách học sinh nhận học bổng. Không thấy em, mà em cũng chưa xin phép giáo viên nghỉ học, tôi vội đến nhà em – một ngôi nhà nhỏ chỉ 15m2 thì biết em đã vào bệnh viện Nhi đồng với căn bệnh thường xuyên của mình. Từ đó tôi mới biết sức khỏe em rất yếu, sổ mũi, ho, viêm họng … những bệnh mà chúng ta coi là thường … thì lại khiến em phải thường xuyên nhập viện. Thế đấy, hoàn cảnh em là thế nhưng em có nghị lực phi thường. Có lần tôi thử hỏi về ba mẹ, em buồn nhưng không khóc, em chấp nhận sống chung với sự thật đó và từng ngày phấn đấu vươn lên; 4 năm liền là học sinh giỏi và cũng là 4 năm liên tục đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” cấp trường, đặc biệt năm học 2008 – 2009 em được tuyên dương trong Liên hoan Cháu ngoan Bác Hồ cấp Quận, em được bạn bè yêu mến, được bầu vào Ủy viên Ban chỉ huy Liên Đội Phan Chu Trinh. Em sẽ là một trong nhiều chủ nhân tương lai của đất nước, sẽ tiếp nối cha anh mà phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như lời Bác căn dặn: “Đảng và Chính phủ, nhân dân ta rất mong muốn các cháu ngày càng tiến bộ, học tập được nhiều kết quả để mai sau phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bác luôn theo dõi sự tiến bộ của các cháu. Bác mong các cháu có nhiều thành tích mới báo cáo Bác”.
Em Lê Thị Mỹ Trinh xứng đáng là con ngoan – trò giỏi – cháu ngoan Bác Hồ – đội viên Thành phố mang tên Bác;

Thiếu nhi là mầm xanh đất nước, là chủ nhân tương lai như lời Bác dạy. Vì thế chúng ta hãy quan tâm, nâng đỡ các em. Sự quan tâm của chúng ta có thể là nguồn động lực cho các em phấn đấu; hãy thắp sáng niềm tin cho các em bằng những hành động cụ thể, hãy tạo nhiều nguồn học bổng nhiều hơn nữa như chúng ta đã làm. Khi chúng ta quan tâm đến thiếu nhi cũng là đang thực hiện trách nhiệm “… hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Có thể nói cuộc đời Hồ Chí Minh, nhân cách Hồ Chí Minh là cả một pho từ điển mà bất cứ ai, bất cứ khi nào ta có dịp mở ra đều có thể tự soi mình và tìm cho mình một câu trả lời đầy ý nghĩa.
Riêng với bản thân tôi dù có cảm phục đến đâu cũng không thể diễn tả hết bằng suy nghĩ của mình trong một ngày một giờ. Nên chăng hãy gom nhặt những gì đã học được qua tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để làm vôn sống cho ta sau này.

BÁC ƠI

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...
Chiều nay con chạy về thǎm Bác
Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!

Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thǎm, thấy Bác cười!

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
 Quanh mặt hồ in mây trắng bay...

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Nǎm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi nǎm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau...

Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa.

Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng ca chung hòa bốn biển
Nâng niu tất cả chỉ quên mình.

Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu?
Ra đi, Bác dặn: "Còn non nước..."
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều

Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác - Lênin,thế giới Người hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn 
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

NGƯỜI THANH NIÊN DŨNG CẢM BẮT CUỚP


Vào lúc 10h50 ngày 10/8/2007, chị Nguyễn Thị Thư, sinh năm 1978, tạm trú tại KP4, đường số 9, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân điều khiển xe gắn máy chở chị Nguyễn Thị Hương Lan, sinh năm 1978, thường trú tại 26/6 Trần Thánh Tông, phường 15 quận Tân Bình trên đường đi học về. Đến trước nhà số 14 đường C2, chung cư Khu công nghiệp phường Tây Thạnh, quận Tân Phú thì bị 2 tên Huỳnh Công Thương, sinh năm 1989, thường trú tại 118/30/21 Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú và tên Phạm Lê Huy Hoàng, sinh năm 1990, thường trú tại số 30/5, tổ 74 phường Sơn Kỳ quận Tân Phú đi xe gắn máy áp sát giật túi xách rồi bỏ chạy. Chi Thư tri hô thì được anh Nguyễn Tiến Thạnh, sinh năm 1966, thường trú tại 152/54/11A Lạc Long Quân, phường 3 quận 11 là thợ in thuộc phân xưởng màn ghép – Cty bao bì Sài Gòn, Khu công nghiệp Tân Bình dùng xe Honda đâm thẳng vào xe bọn cướp làm chúng té ngã và bắt được 2 tên cướp giao cho Công an phường. Tang vật tạm giữ : 01 xe Honda biển số 51P5-1208, 01 túi xách bằng vải bên trong có 800.000 đồng, 01 đồng hồ đeo tay hiệu Gucci. Nội vụ chuyện Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội xử lý.
       
        Để động viên tinh thần dũng cảm, tích cực tham gia công tác phòng chống tội phạm của anh Nguyễn Tiến Thịnh, Ủy ban nhân dân quận Tân Phú đã tặng Giấy khen cho anh Thịnh với số tiền thưởng là 600.000 đồng, hỗ trợ 500.000 đồng để sữa chửa xe. Ngày 21/8/2007, tại Hội nghị tổng kết 3 năm liên tịch giữa Mặt trận tổ quốc - Công an quận và kỷ niệm ngày Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc do Công an quận tổ chức, anh Nguyễn Tiến Thịnh đã vinh dự được mời báo cáo trước hội nghị về thành tích dũng cảm bắt cướp của mình.


Đoàn viên: Đỗ Thị Kim Oanh

NHỮNG CÔNG VIỆC THẦM LẶNG


Tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trường mầm non Hoàng Anh chia tay cô trong buổi tiệc cuối năm, và đó cũng là ngày cô nhận quyết định nghỉ hưu. Trong buổi tiệc ấy, không ai có thể giấu được niềm xúc động xen lẫn những giọt nước mắt, nỗi buồn trong buổi chia tay một người cô, một đồng nghiệp, một người bạn được gọi với cái tên thân mật – “má Mai”.
Cô tên Đặng Thị Mai, sinh năm 1954, 55 tuổi đời với 20 năm làm việc và cống hiến dưới mái trường mầm non Hoàng Anh. Dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng tập thể sư phạm nhà trường và những “mầm non” luôn nhớ đến cô, nhớ đến hình ảnh “má Mai” hằng ngày vẫn cần mẫn làm cho trường lớp sạch đẹp, ngăn nắp, khang trang. Năm 2009, cô được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, đó là sự ghi nhận những đóng góp của cô đối với sự nghiệp trồng người. Vào nghề từ năm 1987, ngày ngày hình ảnh người phụ nữ đội nón lá cẩn thận quét từng lớp lá rụng dưới sân trường, sắp xếp lại từng chiếc xe của giáo viên trong nhà xe; gìn giữ cẩn thận từng chiếc nón, áo mưa khi giáo viên quên do vội lên lớp cho đúng giờ. Có người hỏi: “Sao má Mai lượm chi một cành cây mục rơi ngoài đường cho cực?”; má trả lời: “Việc nhỏ mà, thấy gai mắt chịu không được nên làm vậy thôi”. Những việc làm đó đã thể hiện qua đôi bàn tay gầy guộc của cô, luôn linh hoạt trong mọi công việc của nhà trường. Ngoài công việc ở trường, về địa phương cô là một hội viên nòng cốt của Hội Phụ nữ, hăng say trong công việc của Hội.

 Dù hoàn cảnh gia đình còn không ít khó khăn nhưng thời gian trước đây, cô còn cưu mang và chăm lo cho một người già neo đơn không nơi nương tựa tại ngôi nhà nhỏ của mình. Kết thúc công việc ở trường, tại địa phương, cô trở về gia đình với vai trò người vợ hiền, người mẹ đảm đang chăm lo cho đàn con khôn lớn, trưởng thành.
           Trong cuộc sống, mỗi người đều được xã hội phân công một công việc, một nhiệm vụ khác nhau, không có công việc nào danh giá hay cao sang hơn công việc nào. Điều quan trọng là mỗi người tự nhận thấy trách nhiệm của mình trong công việc mà mình đang đảm nhận và hoàn thành xuất sắc công việc đó. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh không phải là làm những việc lớn lao, to tát mà trong mỗi công việc bình thường hằng ngày, mỗi người cố gắng hoàn thành tốt hơn ngày hôm qua đạt được thì đó chính là làm theo lời Bác một cách đúng đắn, thiết thực nhất. Đó cũng là những việc làm hằng ngày, đời thường nhất mà “má Mai” đã làm để ươm mầm cho những “chồi non” thân yêu của mình và cống hiến cho xã hội.

Đoàn viên: Đỗ Thị Kim Oanh

“ÔNG BÍ THƯ QUẬN ỦY "NUÔI HEO ĐẤT"


Nghĩ về Bác


NHẬT KÝ LÀM THEO LỜI BÁC
Đoàn viên: Đỗ Thị Kim Oanh

Cuộc đời Hồ Chí Minh – một cuộc đời huyền thoại. Nhân cách Hồ Chí Minh – nhân cách của mọi thời đại. Ở Bác hội tụ tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người . Nhìn ánh mắt, nụ cười của Bác ta cảm nhận sự yêu thương luôn đầy ắp trong trái tim của một người Cách Mạng Vô Sản. Bác yêu tất thảy mọi sự vật hiện hữu xung quanh mình. Yêu mỗi gốc lúa, mỗi nhành hoa, yêu từng con sông mảnh đất, …và hơn hết tình yêu thiên nhiên kia là lòng nhân ái bao la vô bờ bến của Người đối với đồng bào cả nước, với nhân loại cần lao. Dù ở cương vị nào thì ở Người cũng toát lên vẻ thánh thiện của một bậc thánh nhân. Quả là không có bút mực nào có thể diễn đạt hết sự cảm phục sâu sắc của tôi về Hồ Chí Minh – tấm gương sáng cho mọi thế hệ trẻ noi theo và tiếp bước.
Rất nhiều sách vở, thơ ca ca ngợi công lao đức độ của Người nhưng tôi thấm thía hơn khi được tìm hiểu những câu chuyện thường ngày rất đỗi giản dị nhưng chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Mỗi một câu chuyện đọc xong ngẫm nghĩ, tôi lại có dịp nhìn nhận lại chính mình và rồi rất rất nhiều lần tôi tự hỏi lòng “mình có làm được như vậy không ?”, “mình đã làm được như thế chưa ?”…
Thật giản dị và thanh tao lãnh tụ Hồ Chí Minh của chúng ta khi thì trong bộ quân phục kaki trắng, khi thì mặc bộ áo nâu túi vải xuất hiện trước đồng bào cũng như trong các buổi hội nghị vẫn đẹp tươi lạ thường. Trên ngực không một tấm huân chương nhưng Bác đã đem ánh sáng hòa bình hạnh phúc đến toàn thể dân tộc Việt Nam. Một con người quá đỗi bình thường giản dị có thể làm được những điều phi thường tưởng chừng không bao giờ làm nổi.
Đức tính giản dị của Hồ Chí Minh là một đức tính tốt nhưng không phải ai cũng có thể học tập và làm theo, bởi lẽ đi cùng với nó phải kèm rất nhiều tố chất : sự thủy chung, tính tiết kiệm, biết nghĩ đến người khác… Thiết nghĩ, là những con người bình thường chưa thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân, vị kỉ thì chúng ta chưa thể “ giản dị” được và phải chăng đó cũng chính là chỗ khuyết sâu thẳm nơi tâm hồn ta mà ta không có dịp nhìn nhận, chỉ khi đọc những mẩu chuyện thường ngày về Bác rồi tự vấn lương tâm mình khi đó ta mới có cơ hội bộc bạch thành tiếng, viết thành lời.
Càng đi sâu tìm hiểu, đến với mỗi câu chuyện lại mở ra cho ta thật nhiều điều hay và bổ ích .

Ở câu chuyện “ Mọi người cũng phải có phần chứ ”, tôi hiểu rằng trong cuộc sống của chúng ta nếu nói đủ thì không biết như thế nào là đủ nếu con người không biết bằng lòng với cuộc sống, chỉ biết lo cho bản thân mình mà không nghĩ đến người khác. Ở đây chúng ta học được ở Bác lòng nhân ái, yêu thương, quan tâm đến người khác, có vậy ta mới nhận được tình yêu thương ấy từ họ.
Đến với câu chuyện “ Chia cho những ai yếu mệt ” ; “ Nói khẽ để anh em nghỉ ” hay “ Mình chẳng thần thánh gì ” … Tôi hiểu rằng sống luôn luôn phải biết nghĩ đến người khác, quan tâm không chỉ đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần của người dân đặc biệt là những người dùng người. Có như thế chúng ta mới thu được nhân tâm và mọi công việc dù khó đến đâu cũng có thể vượt qua.
Với câu chuyện “ Đề nghị sửa ngay một câu ” tôi lại thấy nó hay ở chỗ chúng ta làm sao phải luôn sống hòa mình với tập thể, ngay cả lúc chê cũng vẫn khiến người bị chê nhận thấy cái sai và vui vẻ sửa chữa mà không mất lòng.
Hay câu chuyện “ Không phải cá tính đâu ” tôi học được rằng mình không nên nóng giận khi làm việc và ở mọi tình huống cư xử, giải quyết công việc chúng ta cũng nên tôn trọng nhau
Nhưng câu chuyện “ Bác sẽ cố gắng trả lời hết ” lại giúp tôi rất nhiều trong nghề nghiệp. Với vai trò là một giáo viên, để giảng giải cho học sinh hiểu vấn đề chúng ta nên thay đổi phương pháp tùy từng tiết học tạo không khí sôi nổi, ấm cúng, thoải mái nhưng vẫn đạt hiệu quả.
Thế đấy, cuốn sách trên tay tôi kể những câu chuyện ngày thường về Bác Hồ chỉ vẻn vẹn có 106 trang nhưng đã dạy tôi biết bao điều về con người, cuộc sống và cách xử thế mà thiết nghĩ có sống đến 106 tuổi chưa chắc tôi ngộ ra được. Nói thì thấy buồn cười nhưng thật sự để cảm nhận và hiểu được những lớp nghĩa sâu xa và làm theo đó thì không đơn giản chút nào.
Thử hỏi ai trong chúng ta biết sống vì người khác, lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của chính bản thân mình mà không vụ lợi. Chúng ta – những con người bình thường thôi đã tìm được giá trị đích thực của ba chữ “ bình thường thôi” hay chưa. Còn đó muôn vàn những khó khăn trở ngại, những hơn thua được mất trong cuộc đời, và đâu đó trong cuộc đời vẫn còn những bàn tay ấm áp nghĩa tình .
Cứ thế, mặc cho dòng đời trôi nhưng chỉ xin một phút giây thôi chúng ta để lòng mình lắng đọng cùng lắng nghe câu hát trong bài hát “ Để gió cuốn đicủa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
… “ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi …”
Phải chăng Hồ Chí Minh chính là cơn gió lạ thổi tất cả những toan tính, lọc lừa, giả dối trong ngõ ngách sâu thẳm của trái tim con người bay đi xa mãi để nhường chỗ cho những yêu thương tràn ngập tâm hồn ta.
Tôi tin không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai có dịp được tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đều học được bài học bổ ích quí giá cho bản thân và khi có cơ hội ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ theo cơn gió yêu thương sẽ thổi bùng những việc làm đầy ý nghĩa mang hơi ấm đến với cuộc đời.
Trong thực tế, tôi bắt gặp hình ảnh rất nhiều những con người của thời đại mới sống , học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

Ông Bụt mang quân hàm xanh



Hiện nay cả nước đang thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã có rất nhiều những tấm gương, điển hình về Làm theo lời Bác được tuyên dương. Nhưng trong câu chuyện “ Ông Bụt mang quân hàm xanh” dưới đây nói về anh Danh Trường Danh ở đồn Biên Phòng 754 Phú Quốc đã đăng trên báo Tuổi Trẻ sẽ cho chúng ta thêm nhiều những sẽ chia về những việc làm của bản thân mính đối với xã hội.
Năm năm trước, vuốt mắt cho vợ chồng người đồng đội xấu số Dương Thành Ghi, anh đã nhận lời nuôi hai bé Bảo và Chi. Khi nắm tay anh, nói lời trăng trối, cái thân hình khô đét, không khóc nổi một giọt nước mắt của Dương Thành Ghi hẳn chỉ còn biết bấu víu vào trái tim nhân ái cuối cùng của người đồng đội hiền lành. Cuối cùng, vì còn ai nữa có thể dang tay cứu vớt cuộc đời bé bỏng tội nghiệp của hai đứa con anh khi mà ngay cả họ hàng cũng xa lánh những đứa cháu máu mủ vì nỗi ghê sợ bệnh tật...
Khi ấy Chi chỉ mới ba tuổi, máu tuôn, mủ xì lỗ tai, thân thể lở loét vì căn bệnh chết người HIV lây từ cha mẹ em. Ẵm đứa trẻ trên tay mà anh chẳng biết cuộc sống của gia đình mình sẽ đi về đâu. Rồi khó khăn chồng chất khó khăn khi tiệm tạp hóa “kiếm cơm” của vợ anh phải dẹp đi vì nỗi ghê sợ của chòm xóm lúc ấy. Tất cả chỉ còn trông mong vào đồng lương còm cõi của anh lính biên phòng...
Năm năm qua đi, cháu Bảo bây giờ đã học lớp 6, bằng tuổi con trai anh ngày ấy. Đứa con trai duy nhất qua đời chỉ hai hôm sau khi anh tiễn biệt người đồng đội Dương Thành Ghi. Trong nỗi đau tột cùng của người cha mất con, anh càng yêu thương hơn nữa Bảo và Chi mồ côi tội nghiệp. Hai năm sau, vợ chồng anh sinh được bé gái Bích Ngọc.
Trong cái gia đình nhỏ năm người ấy, những đứa trẻ lớn lên như anh em ruột thịt. Chị Chi tuy còn bé nhưng đã biết cách giữ cho em khỏi lây bệnh. Anh Bảo thì học hành chăm ngoan. Còn cha Danh cứ mỗi tháng lại vượt hơn 30 cây số đến bệnh viện lấy thuốc cho Chi. Đồ con cởi ra, máu mủ lở loét tanh hôi vô cùng, vợ chồng anh thay nhau giặt giũ, chẳng nề hà.
Cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của Danh, Đồn biên phòng 754 Phú Quốc đã chắt chiu mỗi tháng 200 ngàn đồng góp cùng gia đình anh nuôi các cháu. Nhưng khổ nỗi đồn nghèo quá, chỉ được ba tháng là hết tiền. Bà con chòm xóm cũng nghèo, mỗi lần đi biển về chỉ cho các con anh được dăm ba cái tép con tôm. Vậy mà anh vẫn cười tếu táo “Không khó khăn gì đâu, con nít nó ăn hết bao nhiêu mà khổ...”. Có người cám cảnh khuyên anh mang cháu vào trung tâm chăm sóc cho đỡ cực thân. Nhưng nhìn đôi mắt trẻ thơ trong trẻo anh đâu nỡ. Lý lẽ của anh chỉ đơn giản là “Có chết, con cũng phải được nằm trong vòng tay tôi”...
Rồi cứ đến ngày giỗ vợ chồng Ghi, một mình anh lại lo liệu lấy. Anh bảo: “Làm vậy để thằng Bảo lớn lên lấy vợ còn nhớ mà thờ cúng ba má nó”. Người ta gọi anh là “ông bụt mang quân hàm xanh” cũng phải! “Ông bụt” đã mang đến điều kỳ diệu cho cuộc đời Bảo và Chi. “Ông bụt” chỉ xin ông bụt nào đó có thực trên cuộc đời này “hãy cho những đứa con của tôi được sống khỏe mạnh...”. Ngay cả trước bàn thờ người đồng đội chịu ơn mình, anh cũng chỉ khấn: “Mày phù hộ cho con cái tao không bệnh tật, nếu không tao không cúng cơm mày nữa đâu”...
Rồi năm tháng cũng qua đi, năm tháng làm dịu những nỗi đau. Anh Danh cũng biết rằng cuộc sống của bé Chi vô cùng ngắn ngủi. Nhưng mỗi phút giây con khỏe lên, đến trường cùng chúng bạn, trong lòng anh lại ngập tràn niềm tin vào những điều kỳ diệu. Còn với Bảo, mai này lớn lên em sẽ gặp được nhiều trái tim nhân hậu khác nữa. Nhưng có lẽ Bảo sẽ mãi biết ơn “trái tim nhân ái cuối cùng” của cha Danh đã an ủi tuổi thơ bất hạnh của mình.

Võ Đinh Hải Linh (GV Sử THCS Tân Thới Hòa)

Mỗi khi nhắc đến cô...


Mỗi khi nhắc đến cô Trần Thị Thơm, các bạn trường Ernst Thalmann (Q.1, TPHCM) lại tự hào kể về cô giáo của mình.
 “Lửa” từ bục giảng  
Cô là giáo viên dạy văn, môn học được xem là dễ… “gây mê” nếu giáo viên thiếu “lửa”. Những ngày đầu đứng lớp, cô đã không tránh khỏi điều này. Buồn khi thấy trong tiết học của mình, học trò cứ để tâm trí… bay tận đâu đâu, cô quyết tâm thay đổi phương pháp dạy. Bằng cách đưa vào bài giảng những câu chuyện có thật từ cuộc sống đời thường, cô đã chỉ cho học trò thấy được mối quan hệ giữa văn và thực, giữa nhân vật tưởng tượng và con người bằng xương bằng thịt. Tấn Sang (lớp 11A1) kể: “Nhân vật Chí Phèo của thế kỉ trước trở nên gần gũi với tụi mình hơn khi được cô liên hệ với một bộ phận thanh niên hư hỏng ngày nay. Họ - nếu không được quan tâm, tiếp sức, sẽ khó vượt qua hình ảnh quỉ dữ để làm lại cuộc đời. Bài giảng của cô gợi cho tụi mình suy nghĩ về thái độ cư xử đối với những người lầm đường lạc lối”... Ngoài giờ học, cô thường tổ chức cho học trò đến thăm các mái ấm, nhà mở… Những trải nghiệm từ đời sống thật không chỉ giúp các bạn trang bị vốn sống mà còn có thêm nhiều bài học làm người…
Khi cô là bạn  Cát Huy (lớp 12A4) tâm sự: “Có lần, cô kể cho tụi mình nghe câu chuyện về tấm lòng nhân ái của Bác Hồ. Khi ấy, tụi mình cứ nghĩ đó là cách cô giúp học trò thư giãn trong giờ học. Nhưng khi chứng kiến những việc cô làm, tụi mình chợt nhận ra câu chuyện ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến cách sống của cô”. Đó là việc cô âm thầm theo dõi và phát hiện nguyên nhân khiến bạn N (lớp 11A1) thường xuyên đến lớp trễ, không thuộc bài là do phải đi bán chuối chiên phụ giúp gia đình. Hiểu chuyện, cô trích một phần tiền lương ít ỏi của mình giúp bạn đóng học phí (nhưng lại nói là do nhà trường hỗ trợ); rồi động viên bạn tới nhà để cô dạy kèm miễn phí. Đó còn là việc cô tìm đường đến tận nơi ăn chơi của những học trò lêu lỏng để tỉ tê, khuyên nhủ...


Việc làm thầm lặng của cô đã khơi dậy niềm lạc quan, yêu đời đối với những học sinh cá biệt, giúp các bạn ấy “lột xác” thành những người sống đẹp, như cách cô đang sống.  Là trợ lí thanh niên, cô thích “nghía” xung quanh để phát hiện những “ngôi sao học trò” trên các lĩnh vực để tìm cách bồi dưỡng năng khiếu. Còn nhớ trong Đêm hội văn hoá diễn ra ở trường, bên cạnh các ca sĩ chuyên nghiệp, cô đã mạnh dạn tạo điều kiện cho dàn ca sĩ “cây nhà lá vườn” biểu diễn trong một chương trình có bán vé. Và cô đã không nhìn lầm người. Được cô tin tưởng, các ca sĩ học trò đã biểu diễn hết mình, góp phần thu về cho trường số tiền 30 triệu đồng để gây quĩ hỗ trợ học sinh nghèo, xây dựng một căn nhà tình thương ở Vĩnh Long.  Thương học trò, cô cũng được không ít học trò thương. Thế nên, ngày 20/11 cô thường nhận được rất nhiều hoa. Nhưng cách đây ba năm, cô quyết định… từ chối nhận hoa và khuyên học trò của mình hãy sử dụng tiền mua hoa để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Cô bảo: “Nghĩa cử đẹp của các em mới là món quà mà cô muốn nhận”. “Sự kiện” lần đó cũng mở đầu cho một hoạt động mới của nhiều bạn học sinh trường Ernst Thalmann: tiết kiệm tiền đóng góp vào quĩ Vì người nghèo, quĩ Hỗ trợ nạn nhân bị chất độc da cam...  Có lẽ giáo viên, học sinh trường Ernst Thalmann không ngạc nhiên khi biết tin cô Thơm đoạt giải nhất tại hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Thành uỷ TPHCM tổ chức (tháng 6/2008). Bởi lẽ cô không chỉ kể chuyện mà từ lâu đã “theo gương Bác” bằng chính cách sống của mình. Và tin giáo viên Trần Thị Thơm trở thành ứng cử viên trong cuộc vận động bình chọn Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2008 của Thành Đoàn hẳn sẽ là tin vui đối với những ai từng yêu mến, tin tưởng cô.

                                                    TRẦN KHÁNH VINH (GV Văn THCS Tân Thới Hòa)








Người mẹ của những học sinh thiểu năng trí tuệ





Có một người phụ nữ đã hết lòng chăm lo cho những đứa trẻ bị bệnh thiểu năng trí tuệ va luôn cầu mong cho những đứa trẻ ấy khôn lớn nên người để bớt đi gánh nặng trên đôi vai những đấng sinh thành. Người phụ nữ ấy chính là cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Hồng, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1, TP.HCM. Bao năm qua, học sinh ở ngôi trường này đã thân mật gọi cô bằng cái tên trìu mến: mẹ Hồng.

Với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, người mẹ ấy đã trăn trở với nỗi niềm là “không có trẻ không học được, chỉ có môi trường và phương pháp giáo dục chưa phù hợp”. Với kiến thức được học về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, đồng thời được sự động viên khích lệ từ Ban giám hiệu nhà trường, cô đã tìm tòi đúc kết những kinh nghiệm để dạy học sinh “chậm phát triển trí tuệ”. Trước kia những em mắc bệnh này thường được đưa vào những trường đặc biệt, bị tách riêng, không hòa nhập được cuộc sống bình thường, và lĩnh hội rất ít các kỹ năng của xã hội. Từ đó đã vô tình đưa nhiều trẻ vào cách sống thụ động, khép kín, đánh mất tính năng động tự có của tuổi thơ. Do nhu cầu thực tế nhiệm vụ giáo dục hòa nhập là một xu hướng tất yếu của thời đại, xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm, cô đã mày mò nghiên cứu tìm ra giải pháp đưa những em học sinh thiểu năng trí tuệ hòa nhập cộng đồng.
Lúc đầu cô cũng gặp không ít khó khăn, dần dần cô đã từng bước khắc phục bằng cách làm rất khoa học là xác định những đặc điểm chung của các em về chậm phát triển trí tuệ: đặc điểm về tri giác, về tư duy, về trí nhớ, về sự chú ý và đặc điểm về hành vi. Rồi tiếp tục xác định nhu cầu về học tập của các em và khả năng tiếp thu… từ đó để có những giải pháp khắc phục từng mặt còn hạn chế. Cô bắt đầu bổ sung những khiếm khuyết về đọc để các em có thể ghi nhớ, khi các em đã được bổ sung những hạn chế cô bắt đầu dạy về viết và toán học.
Không những dạy cho các em học mà cô dạy các em trở thành công dân nhỏ có ý thức, trở thành con ngoan trò giỏi. Cô còn chăm sóc học sinh từng miếng ăn giấc ngủ, gần gũi bày tỏ giúp các em học ngoan, vui chơi tốt… Cô đã mang lại một sức sống cho những học trò của mình, đặc biệt là những em thiểu năng trí tuệ, tiến bộ vượt bậc. Và cô đã trở thành người mẹ thứ hai của những học sinh kém may mắn.

                                                    TRẦN KHÁNH VINH (GV Văn THCS Tân Thới Hòa)

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

Cô giáo duy nhất ở Trường Sa




Quyết định liều lĩnh
Cô giáo Bùi Thị Nhung (28 tuổi) vốn dạy ở Trường tiểu học Suối Cát, xã Suốt Cát, còn chồng cô là anh Đặng Thanh Chương, công nhân Xí nghiệp cát trắng Cam Ranh, Khánh Hòa. Hai vợ chồng có một đứa con gái xinh xắn là cháu Đặng Bùi Phương An cùng một mái nhà nhỏ yên bình. Cuộc sống sẽ cứ thế trôi đi, nếu không có một ngày tình cờ cô giáo Nhung nghe chuyện đảo Trường Sa đang có nhiều cháu nhỏ thất học.
“Hồi đó mình trăn trở lắm, mình cũng là mẹ, lại là cô giáo. Biết các cháu nhỏ theo bố mẹ sinh sống ở đảo mà thất học thì tội lắm. Đảo Trường Sa lại thuộc Khánh Hòa nên mình muốn có cái gì đó đóng góp cho quê hương nên mới xin ra đây dạy học”, cô giáo Nhung kể với chúng tôi.
Nhưng chuyện xin ra đảo dạy học, ban đầu cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình. “Mình là người có gia đình, ra đảo thì chồng con một nơi, mình một nơi cũng khó. Mà mang theo cả chồng, biết làm gì, con cái liệu có sống nổi với khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa không, mình day dứt lắm”, cô Nhung tâm sự.
Trăn trở, day dứt của cô giáo Nhung thật may lại được sự đồng cảm, chia sẻ từ phía chồng. “Nghe vợ bảo đi ra đảo, ban đầu mình cứ tưởng là đùa. Nhưng khi nghe ý định nghiêm túc của vợ, mình cũng suy nghĩ và ủng hộ vì mình hiểu cô ấy hơn ai hết. Lúc đó mình chỉ nói một câu, ở trong đất liền thì lương anh đủ để nuôi em và con, còn ra đó thì em nuôi anh nhé”, anh Chương nửa đùa nửa thật khi nhớ lại ngày xin ra đảo dạy học. Bố mẹ của hai gia đình khi hiểu hết tấm lòng của hai vợ chồng trẻ cũng không ngăn cản nữa, chỉ dặn mỗi câu: “Đã đi thì phải sống hết mình nơi quê hương mới”.



Mỗi ngày 4 “sô”, 5 lớp
Từ ngày ra đảo dạy học, một mình cô Nhung phụ trách 12 cháu nhỏ đủ các lứa tuổi, từ mầm non cho đến lớp 4. Một ngày cô dạy 4 “sô”, cả sáng lẫn chiều. Lúc thì dạy tập đọc, tập viết cho học sinh mẫu giáo, lúc dạy văn, dạy toán cho các em lớp 2, lớp 3, lớp 4. “Mình soạn giáo án đủ 9 môn cho học sinh lớp 2, lớp 3 và 11 môn cho học sinh lớp 4. Ở đây chỉ còn môn thể dục là mình không dạy thôi vì khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa tự thân cũng đã là một môn học quá nặng cho các em rồi”, cô Nhung cho hay.
Dạy học, soạn giáo án cho đến làm đề thi, kiểm tra học kỳ và cho các cháu lên lớp, cô Nhung phụ trách tất. Nhiều đêm cô Nhung phải thức đến tận 2, 3 giờ sáng để soạn giáo án cho các lớp, mà mệt nhất là giáo án về môn văn. Không như trong đất liền, những hình ảnh minh họa luôn phong phú, thậm chí các em có thể đi thực tế để hiểu, nắm bắt vấn đề rõ hơn.
“Học ở đảo nên các cháu không có điều kiện tiếp xúc thực tế nhiều. Các cháu không được đi chơi công viên, sở thú, đi xem phim, tham quan thắng cảnh. Bài tập làm văn các cháu làm luôn phải là một sự tưởng tượng của riêng mình”, cô Nhung kể. Những cánh đồng lúa chín, cây đa, đình làng, con trâu, cái cò… vốn dĩ thân quen, gần gũi với bọn trẻ trong đất liền thì với bọn trẻ ở đảo chúng chỉ biết qua sách vở.
Cũng may gần đây Trường Sa đã có thể xem được tivi, nên bọn trẻ có thể nhận thức được những gì cô giáo Nhung muốn truyền đạt. Nói là vậy, đời sống tâm hồn của bọn trẻ ở đảo theo quan sát của chúng tôi còn rất thiếu thốn. Mùa hè, chúng thường lấy trò chơi lượm ốc, san hô về rải quanh nhà làm trò chơi bán hàng, nhưng mùa đông thì chỉ quanh quẩn trong nhà vì thời tiết ngoài đảo rất khắc nghiệt.



Mỗi "lớp" của cô Nhung chia thành một cụm, quay lưng vào nhau
 

                                       Ghế đu là trò chơi duy nhất của các cháu nhỏ trên đảo

Cô Nhung cho biết, lũ trẻ ở Trường Sa được cái rất ham học. Ở đảo, không có nhiều thứ để chơi nên hầu hết đứa nào cũng thích đi học, vì mỗi giờ học chúng tìm thấy niềm vui. Để chương trình học của các cháu không bị lạc hậu, cô Nhung thường phải liên lạc về đất liền xin đồng nghiệp giáo án, sách vở và cả đồ chơi.
Tất cả 12 học trò của cô giáo Nhung, đứa nào cũng học khá, thậm chí cháu Nguyễn Thanh An, học sinh lớp 4 - cũng là cậu học trò lớn tuổi nhất trong bọn trẻ - thì 4 năm liền đều đạt loại giỏi. “An nó siêng học lắm, nhưng điều kiện học ở đảo không tốt bằng đất liền nên bố mẹ cháu dự định tốt nghiệp lớp 5 sẽ cho cháu vào đất liền. Ở đây cũng có hai, ba cháu học khá bố mẹ đều đã cho vào đất liền học tiếp rồi”, cô Nhung cho biết.
Vất vả, khó khăn nhưng cô Nhung chưa bao giờ thấy lựa chọn của mình là sai lầm, bởi ở đảo cô có một mái ấm yên bình, có người chồng thương yêu vợ hết mực cùng đứa con gái xinh xắn. “Ở đây bọn em cũng rất được các anh chiến sĩ cũng như lãnh đạo ở thị trấn Trường Sa quan tâm. Cả đảo như một mái nhà chung cho mọi người, lại thường xuyên nhận được hỏi han, động viên từ trong đất liền”, cô Nhung nói tiếp.
Mong ước duy nhất của cô Nhung hiện giờ là có một chiếc máy vi tính cùng máy in, để việc soạn giáo án, ra đề thi đỡ mệt hơn, thay vì cứ mỗi lần kiểm tra học kỳ cô lại ra ủy ban thị trấn đánh nhờ đề thi. Thế nhưng, mong ước vậy nhưng cô vẫn bảo với chúng tôi đừng xem đó là yêu sách, đòi hỏi, vì cô vẫn luôn khẳng định mình chưa đóng góp được gì nhiều cho vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.




                                                                       TRẦN KHÁNH VINH (GV Văn THCS Tân Thới Hoà)


Tài sản của một người thầy


Ai đó đã nói: “Chỗ đứng của người thầy là trong lòng học sinh”. Và với niềm yêu họ dành cho ông bằng cả ngàn lá thư ông cất giữ cẩn thận trong ngôi nhà yên tĩnh với vài đóa phù dung, đôi chút quỳnh hương, dạ lan, ông thật sự giàu có. Ông, thầy Trương Tham. Có thể nói vậy về nhà giáo ưu tú Trương Tham (nguyên giáo viên dạy văn Trường THPT Trưng Vương, TP Quy Nhơn, Bình Định). Với hơn 40 năm đứng lớp, nhiều học trò của ông giờ là giáo sư, tiến sĩ, cán bộ đầu ngành, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà giáo… Nhưng ngay cả những học trò thành danh, những học trò là công nhân, cày ruộng hoặc cầm súng đánh giặc rồi mãi mãi không về…, ít ai biết thầy đến với nghề dạy học không hề là tự nguyện lựa chọn nghề “trồng người” cao quý.
Nghề chọn người: Mơ mái trường tổng hợp lại phải đi sư phạm, học giỏi toán lại phải học văn, tất cả đều từ quyết định của người cha, một tú tài Pháp tham gia cách mạng, tập kết rồi trở về Nam chiến đấu, hi sinh. Trước ngày về Nam, hai cha con đi dạo trên đường Hà Nội, ông nghe cha đọc những bài thơ tiếng Pháp rồi dịch cho nghe. Người cha bảo rằng mai này đất nước thống nhất, các môn xã hội, nhất là môn văn, cần những người như con đứng lớp! Vậy nên cha ông đã chọn cho ông học Sư phạm Vinh, ngành văn. Chọn Vinh vì lúc này tập trung nhiều thầy giỏi, còn văn là môn học cần cho tương lai: người cha chu đáo của ông đã gửi lại con kỳ vọng và cũng là số phận. Và ông đã đi trọn con đường…
Chuyện nghề: Cha như đã kể, mẹ cũng con nhà đỗ đạt, cậu học sinh của tổng Kim Sơn, Hoài Ân, Bình Định tập kết ra học Trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng rồi Hà Đông không mấy hứng thú học hành. Điểm học cứ làng nhàng 3, khá lắm cũng chỉ được 4 (thời này theo thang điểm 5). Cho tới khi lớp được học thầy Tô Thế Huyên, người Nghệ An, dạy toán. Buổi đầu thầy không dạy mà dành trọn cho việc thầy trò hiểu nhau. Thầy, sau khi tự giới thiệu mình, đã gọi tên từng học sinh đứng lên để làm quen. Thật lạ lùng, mấy chục học sinh, người tỉnh thành nào ở miền Nam, khi xưng danh và địa chỉ, thầy cũng nói vanh vách vùng miền ấy những đặc điểm riêng về địa danh, sản vật hay văn hóa lịch sử. Nỗi nhớ quê và niềm kính phục thầy Huyên đã làm cả lớp lập tức có một không khí học hành khác hẳn trước đó. Ông, từ một cậu học trò làng nhàng lơ đễnh chuyện học đã thật sự chuyên tâm và vượt lên thành giỏi nhất môn toán. Cách dạy của thầy Huyên ngoài cung cấp kiến thức căn bản còn gợi những suy tư, những kỹ năng tổng hợp. Tất nhiên sau này ở Đại học Sư phạm Vinh ông còn được học những thầy giỏi như Phùng Văn Tửu, Nguyễn Đăng Mạnh… Nhưng có lẽ người thầy để lại dấu ấn sâu đậm nhất vẫn là thầy Huyên của ngôi trường lợp lá gồi ở Hà Đông, bên ngoài là những hàng bông giấy rực lên trong nắng mơ màng.Năm 1975, ông về lại quê hương Bình Định, hành lý mang theo là cả chục cuốn sổ ghi chép cẩn thận những kinh nghiệm giảng dạy của đồng nghiệp giỏi sau mười năm dạy các trường ở Nam Định, “đất học” của miền Bắc bấy giờ.
Thầy giáo và nghệ sĩ: Với học trò, ngoài việc truyền đạt những kiến thức và kỹ năng tốt nhất, ông còn rất quan tâm kích thích niềm đam mê, sự hưng phấn học văn. Với học sinh đến với giờ văn thầy Tham luôn tìm thấy những hứng thú. Nhiều học trò nhận xét ông là thầy giáo - nghệ sĩ. Không hẳn vì ngoài việc dạy học ông còn làm thơ, viết báo, viết sách về cảm luận văn chương mà bởi chính cách dạy, cách truyền cảm hứng cho học trò rất riêng của ông. Ông bắt đầu bài giảng có khi bằng cách nêu một công thức hóa học và khẳng định: “Các em học thuộc thì chỉ nhớ đây là một công thức, nhưng có những vần thơ sẽ làm các em xúc động, chẳng hạn như…”. Những vần thơ này không phải là bài học hôm đó, ông chỉ gợi sự chú ý. Có lúc ông bắt đầu bằng việc kể lại ấn tượng lần đầu ăn cơm hến rất cay và ngon của Huế rồi bài học đến một cách tự nhiên cuốn hút… Truyền cảm hứng cho học trò là một phần sự thành công của tiết học, có khi mang ý nghĩa quyết định. Bài học từ người thầy dạy toán năm xưa đã được ông vận dụng rất giỏi suốt mấy chục năm đi dạy của mình.“Thầy không chỉ dạy mà còn học từ học trò. Không kể những học sinh giỏi, ngay cả một bài làm của học sinh trung bình, đôi khi các em cũng có những phát hiện bất ngờ” - ông quan niệm. Có thể điều này nhiều thầy giáo cũng nghĩ như ông nhưng nói ra thành lời một cách chân thành như thế hẳn không mấy người. Với ông, học, dù học thầy, đồng nghiệp, sách vở, cuộc sống hay từ học trò, cuối cùng cũng để cho việc làm thầy tốt hơn. Suốt cuộc đời dạy học, ông luôn kiên trì tìm trong những bài kiểm tra chất lượng đầu năm những dấu hiệu năng khiếu để chuyên tâm bồi dưỡng. Đến năm về hưu, 2003, ông còn kịp góp cho tỉnh gần chục danh hiệu học sinh giỏi văn.
Hai lần (năm 1978 và 1983) đoạt giải nhất cuộc thi “Đồ dùng dạy học” quốc gia, cùng thành tích từ giảng dạy, năm 1990 thầy Trương Tham được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Dù đã nghỉ hưu, năm năm qua ngày ngày ông vẫn đạp xe đến các trung tâm dạy luyện thi và tham gia các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh. Ông luôn được mời vì năng lực, kinh nghiệm. Và ông cũng cần đi dạy vì nhớ không khí trường lớp, học trò. Hàng ngàn học trò của mình ai ông cũng yêu thương, nhưng ông dành tình cảm đặc biệt cho những học sinh hư hỏng biết nghe lời, học sinh giỏi và những người đi đánh giặc đã ngã xuống. Hằng tuần, thư từ, điện thoại khắp nơi trong nước, ngoài nước của những học trò thành đạt và không thành đạt thường xuyên đến với ông. Ông nói mình chỉ biết dạy học, còn nhiều lĩnh vực không thể tới được: nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, công nhân các ngành nghề, sĩ quan quân đội… đã có học trò góp sức.

Nhân dân đảo Ngọc với Bác Hồ


I/Đặt vấn đề

          Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh  luôn quan tâm đến giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Miền bắc được giải phóng, tỉnh Quảng Ninh là một trong những nơi được Bác về thăm nhiều nhất. Những lời dạy bảo của Bác là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cổ vũ động viên Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh giành thắng lợi không chỉ trong những chặng đường đã qua mà cho cả các giai đoạn hiện nay và mai sau. Vào ngày 12 tháng 11 năm 1962 trong một chuyến về thăm Qủang Ninh Bác đã ra thăm và động viên nhân dân đảo Ngọc(xã Ngọc Vừng-huyện Vân Đồn-Quảng Ninh).
         
 II/ Nội dung câu chuyện:
                    Nhân dân đảo ngọc với bác hồ
Sẽ mãi mãi Đảo Ngọc không thể nào quên  một ngày tháng 11 năm 1962,  khi chiếc máy bay lên thẳng lượn trên bầu trời đảo - người dân đảo nghĩ ngay tới việc được đón Bác Hồ về thăm. Từ  của máy bay bước ra, Bác tươi cười giơ tay vẫy chào quân dân trên đảo.Các cụ già, các em thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ,  bộ đội vây quanh bác với một niềm sung sướng dạt dào, âm vang tiếng vỗ tay và ngời sáng những cặp môi cười.
          Bác đã hỏi chuyện cụ Biên - người cao tuổi nhất đảo Ngọc:
-         Cụ khoẻ luôn không?
-         Thưa cụ Hồ khoẻ lắm!
-         Cụ thấy bây giờ khác khi giặc tạm chiếm ở chỗ nào?
-         Thưa cụ,khác ở chỗ không còn cảnh người bóc lột người.
Bác cười rất vui, xiết chặt cụ biên: - Cụ nói đúng lắm! rồi quay sang chị phụ trách phụ nữ xã, bác hỏi:
-         Thế phụ nữ  ở đảo có còn cãi nhau không?
-         Thưa Bác còn ít thôi ạ!
-          Thế thì phải dần dần đừng cái nhau nữa, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau tiến bộ.
Rồi bác hỏi đồng chí bí thư chi bộ xã: Trên đảo này có bao nhiêu đảng viên... Bác bảo như vậy là ít. Cần tuyên truyền, giáo dục và phát triển Đảng nhiều hơn trong thanh niên, phụ nữ. Bác lấy kẹo chia cho các cháu thiếu nhi. Âu yếm ôm hôn từng cháu và hỏi han ân cần. Bác hỏi thăm nam nữ thanh niên và bộ đội.... Bác căn dặn về sự cần thiết phải làm giàu kinh tế trên đảo như cấy lúa, trồng khoai, trồng cây, đánh cá...;chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh cho nhân dân, dạy học cho các cháu nâng cao đời sống người dân trên đảo.
Bác đặc biệt căn dặn: Bộ đội và nhân dân phải đoàn kết, bộ đội phải giúp dân xây dựng hợp tác xã. Nhân dân phải giúp bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Bác đã về thủ đô, nhưng tình bác còn đượm trong lòng, lời bác còn âm vang mãi. Nơi Bác đứng có một cây đa xum xuê cành lá như chiếc lọng lớn, toả bóng xuống bãi cát trắng mịn màng. Người dân Đảo xây một tấm bia to bằng xi măng vững chãi, vẽ hoa văn xung quang và khắc hình cánh chim ở giữa lời bác dặn.
Đúng ngày sinh nhật 44 năm của Đảng năm 1974- Đảo Ngọc vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do nhà nước phong tặng.
Đảo Ngọc, cửa ngõ đất liền, gai găm  mắt giặc, mặc dầu đã một năm hoà bình mà cây trên đảo vẫn chưa nhuộm xanh lại hết những mảnh đất bị cháy xém bởi đạn bom của giặc Mỹ. Gần 200 trận, hơn nghìn rưỡi bom, cùng với non vạn bom bi, rốc- két quân giặc dội xuống một hòn đảo vỏn vẹn 600 dân - những mong giết chết mọi sự sống trên đảo. Nhưng bọn trùm sỏ đế quốc Mỹ làm sao hiểu nổi người dân đảo Ngọc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung-thật lạ kỳ thay những con người kiên cường bất khuất. Mỗi lần máy bay giặc bay qua đảo Ngọc-đều bị lưới lửa phòng không ngang trời vây ráp.
Cách ngày này hơn 30 năm về trước, những phát đạn căng vút lên từ khẩu súng đặt trên đất đảo anh hùng, đã bắn tan xác chiếc may bay giặc Mỹ thứ 200 ở tỉnh ta và là chiếc máy bay thứ  23 của đảo Ngọc, đã gắn thêm vào lá cờ truyền thống của Đảo Ngọc anh hùng.
Hà Nội 12 ngày đêm cuôí tháng chạp năm 1972 đã đi vào lịch sử  cả nước như một cái mốc, một “Điện Biên Phủ trên không”, quyết định vận mệnh, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, quyết định vận mệnh của đế quốc Mỹ tại cuộc chiến tranh ở Việt nam. Thì ở Quảng Ninh-chiếc máy bay giặc Mỹ thứ 200 tròn mà quân và dân đảo Ngọc đã bắn tan xác trên bầu trời tỉnh Quảng Ninh cũng trở thành con số lịch sử.
Lễ đài mang hình Bác Hồ rất lớn ở chính giữa. Từ đó, Bác tươi cười nhìn mãi ra bãi cát mà năm 1962 chính Người đã đứng. Quân và dân Đảo Ngọc quần tụ dưới trời mưa xuân, nghe đọc lệnh của Chủ tịch nước và quyết định của Quốc hội phong tặng danh hiệu Anh hùng cho đảo Ngọc. Bí thư xã Đảo tay nâng tấm bằng khen lồng trong khung kính, cùng với chính trị viên tiểu đoàn bộ đội đóng trên đảo dâng cao lá cờ thưởng danh hiệu anh hùng, là một hình ảnh minh hoạ tuyệt vời cho tình quân dân ở đảo Ngọc như lời Bác dặn năm nào: ở trên đảo này, bộ đội và nhân dân phải đoàn kết.
Thật vậy, lời dạy của bác Hồ thấm nhuần trong việc làm hôm nay của quân và dân trên đảo Ngọc anh hùng. Bác đã đi xa gần 40 năm , song những lời dặn dò, chỉ bảo ân cần của bác đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh vẫn còn in đậm mãi.
   III/ Ý nghĩa, bài học.
 “ ôi lòng bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa.
Chỉ biết quên  mình cho hết thảy
Như dòng sông đỏ nặng phù sa.”

          Lời thơ ấy cứ ngân vang trong tôi khi đọc xong câu chuyện về Bác. Một vị chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc mà vẫn luôn dành thời gian quan tâm đến nhân dân vùng biển đảo xa xôi. Bác đã dành sự quan tâm, thăm hỏi ân cần tới tất cả các tầng lớp, các lứa tuổi từ già đến trẻ, từ phụ  nữ tới bộ đội, cán bộ trên đảo Ngọc. Bác thương lám những người dân lam lũ nơi đây trở thành mục tiêu trọng điểm trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ. Một lời hỏi thăm, một lời động viên ân cần cũng chính là những suy tư, trăn trở của bác dành cho những người dân nơi đây. Lời căn dặn về tình đoàn kết quân dân trên đảo Ngọc của Bác đã trở thành sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, một động lực mạnh mẽ thôi thúc toàn quân và dân trên đảo Ngọc chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

   IV/ Liên hệ bản thân, đơn vị

          Từ con người vốn rất đẹp trong đời thường, Bác đã đi vào thơ, ca, nhạc hoạ, đi vào lòng người dân Việt Nam bởi chính tấm lòng nhân ái bao la ấy!
          Nhìn vào tấm gương  sáng chói của Bác tôi ý thức hơn hết vai trò và trách nhiệm của mình. Một  người giáo viên nội trú-cần lắm những tấm lòng yêu thương học sinh. Khi giảng dạy  tôi luôn chú ý làm sao giảng dễ hiểu, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất và luôn rèn tác phong gương mẫu của một người giáo viên. Khi các em học sinh ốm, đau thì chúng tôi là những người cha, người mẹ thứ 2 có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc các em khi bố mẹ các em ở xa, chưa kịp xuống. Khi các em học sinh có những tâm sự, những vấn đề khúc mắc thì  chúng tôi lại như một người bạn, người chị cùng chia sẻ, động viên, góp ý cho các em những hướng giải quyết tích cực nhất. Tôi luôn chú trọng việc rèn luyện đạo đức, tác phong cho chính mình và cho các em học sinh, giáo dục các em tinh thần đoàn kết các dân tộc, tương thân tương ái trong học tập và sinh hoạt nội trú. Học tấm gương của Bác trước hết tôi học ở Bác một tấm lòng-những lời dạy của Bác sẽ là hành trang cho tôi và cho mỗi chúng ta phải học tập, rèn luyện và hoàn thiện mình trong suốt cuộc đời.
 
V/ Kết luận
         
          Qua đợt Trung ương Đảng phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì một lần nữa hình ảnh của Bác được gợi  nhớ, in sâu vào mỗi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên cả nước.
                                                            
                                                                      TRẦN KHÁNH VINH

                        

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Chi Đoàn Trường THCS Tân Thới Hòa quyết tâm học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại