Hiện
nay cả nước đang thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã
có rất nhiều những tấm gương, điển hình về Làm theo lời Bác được tuyên dương.
Nhưng trong câu chuyện “ Ông Bụt mang quân hàm xanh” dưới đây nói về anh
Danh Trường Danh ở đồn Biên Phòng 754 Phú Quốc đã đăng trên báo Tuổi Trẻ sẽ cho
chúng ta thêm nhiều những sẽ chia về những việc làm của bản thân mính đối với
xã hội.
Năm năm trước, vuốt
mắt cho vợ chồng người đồng đội xấu số Dương Thành Ghi, anh đã nhận lời nuôi
hai bé Bảo và Chi. Khi nắm tay anh, nói lời trăng trối, cái thân hình khô đét,
không khóc nổi một giọt nước mắt của Dương Thành Ghi hẳn chỉ còn biết bấu víu
vào trái tim nhân ái cuối cùng của người đồng đội hiền lành. Cuối cùng, vì còn
ai nữa có thể dang tay cứu vớt cuộc đời bé bỏng tội nghiệp của hai đứa con anh
khi mà ngay cả họ hàng cũng xa lánh những đứa cháu máu mủ vì nỗi ghê sợ bệnh
tật...
Khi ấy Chi chỉ mới
ba tuổi, máu tuôn, mủ xì lỗ tai, thân thể lở loét vì căn bệnh chết người HIV lây
từ cha mẹ em. Ẵm đứa trẻ trên tay mà anh chẳng biết cuộc sống của gia đình mình
sẽ đi về đâu. Rồi khó khăn chồng chất khó khăn khi tiệm tạp hóa “kiếm cơm” của
vợ anh phải dẹp đi vì nỗi ghê sợ của chòm xóm lúc ấy. Tất cả chỉ còn trông mong
vào đồng lương còm cõi của anh lính biên phòng...
Năm năm qua đi, cháu
Bảo bây giờ đã học lớp 6, bằng tuổi con trai anh ngày ấy. Đứa con trai duy nhất
qua đời chỉ hai hôm sau khi anh tiễn biệt người đồng đội Dương Thành Ghi. Trong
nỗi đau tột cùng của người cha mất con, anh càng yêu thương hơn nữa Bảo và Chi
mồ côi tội nghiệp. Hai năm sau, vợ chồng anh sinh được bé gái Bích Ngọc.
Trong cái gia đình
nhỏ năm người ấy, những đứa trẻ lớn lên như anh em ruột thịt. Chị Chi tuy còn
bé nhưng đã biết cách giữ cho em khỏi lây bệnh. Anh Bảo thì học hành chăm
ngoan. Còn cha Danh cứ mỗi tháng lại vượt hơn 30 cây số đến bệnh viện lấy thuốc
cho Chi. Đồ con cởi ra, máu mủ lở loét tanh hôi vô cùng, vợ chồng anh thay nhau
giặt giũ, chẳng nề hà.
Cảm kích trước nghĩa
cử cao đẹp của Danh, Đồn biên phòng 754 Phú Quốc đã chắt chiu mỗi tháng 200
ngàn đồng góp cùng gia đình anh nuôi các cháu. Nhưng khổ nỗi đồn nghèo quá, chỉ
được ba tháng là hết tiền. Bà con chòm xóm cũng nghèo, mỗi lần đi biển về chỉ cho
các con anh được dăm ba cái tép con tôm. Vậy mà anh vẫn cười tếu táo “Không khó
khăn gì đâu, con nít nó ăn hết bao nhiêu mà khổ...”. Có người cám cảnh khuyên
anh mang cháu vào trung tâm chăm sóc cho đỡ cực thân. Nhưng nhìn đôi mắt trẻ
thơ trong trẻo anh đâu nỡ. Lý lẽ của anh chỉ đơn giản là “Có chết, con cũng
phải được nằm trong vòng tay tôi”...
Rồi cứ đến ngày giỗ
vợ chồng Ghi, một mình anh lại lo liệu lấy. Anh bảo: “Làm vậy để thằng Bảo lớn
lên lấy vợ còn nhớ mà thờ cúng ba má nó”. Người ta gọi anh là “ông bụt mang
quân hàm xanh” cũng phải! “Ông bụt” đã mang đến điều kỳ diệu cho cuộc đời Bảo
và Chi. “Ông bụt” chỉ xin ông bụt nào đó có thực trên cuộc đời này “hãy cho
những đứa con của tôi được sống khỏe mạnh...”. Ngay cả trước bàn thờ người đồng
đội chịu ơn mình, anh cũng chỉ khấn: “Mày phù hộ cho con cái tao không bệnh
tật, nếu không tao không cúng cơm mày nữa đâu”...
Rồi năm tháng cũng
qua đi, năm tháng làm dịu những nỗi đau. Anh Danh cũng biết rằng cuộc sống của
bé Chi vô cùng ngắn ngủi. Nhưng mỗi phút giây con khỏe lên, đến trường cùng
chúng bạn, trong lòng anh lại ngập tràn niềm tin vào những điều kỳ diệu. Còn
với Bảo, mai này lớn lên em sẽ gặp được nhiều trái tim nhân hậu khác nữa. Nhưng
có lẽ Bảo sẽ mãi biết ơn “trái tim nhân ái cuối cùng” của cha Danh đã an ủi
tuổi thơ bất hạnh của mình.
Võ Đinh Hải Linh (GV Sử THCS Tân Thới Hòa)